Khu công nghiệp ở Bắc Trung bộ hưởng lợi từ dịch chuyển nguồn lao động

24/12/2021
TheLEADER Những khu vực đang trong xu hướng đón dòng vốn đầu tư nước ngoài như Bắc Trung bộ đang được hưởng lợi từ những chuyến hồi hương của người lao động.
 

Người lao động đổ về quê sau một thời gian dài giãn cách

Sáng sớm đi xe máy khoảng 30 phút đến nhà máy làm việc, tối lại đi xe về để nấu cơm và chăm chút cho gia đình, chị Thân.Thị. P. (Nghệ An) cho biết đã rất lâu rồi mới có cảm giác thoải mái đến vậy dù đang nhận mức lương chưa đến 4 triệu đồng, thấp hơn hai lần so với thu nhập của chị hồi còn làm công nhân ở TP. HCM.

“Dành cả thanh xuân” làm công nhân trong miền Nam kể từ khi vừa tốt nghiệp cấp ba, nay con gái lớn của chị đã lên lớp bốn, chị quyết định sẽ ở nhà và tìm kiếm một công việc lâu dài. Quyết định này được chị P. và ba chị em khác trong gia đình đưa ra sau chuỗi ngày dài khủng hoảng do Covid-19 gây ra ở TP. HCM.

Ngồi bên mâm cơm cùng chồng và con, nhớ lại quãng thời gian không có việc làm khi dịch bùng phát ở TP. HCM, bốn chị em chen chúc nhau trong căn phòng chưa đầy 20m2 và phải ăn mỳ tôm qua ngày, chị P. chia sẻ, tìm được một công việc ổn định gần nhà, thường xuyên được gặp các con là điều chị mong muốn nhất lúc này.

Trên thực tế, chị P. chỉ là một trong số 92.000 người Nghệ An quay trở về quê trong thời điểm từ tháng Một đến tháng Mười năm 2021, theo số liệu từ Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Nghệ An. Trong đó, 66.700 người lao động quay về từ các tỉnh, thành phía Nam do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Số lao động không có chuyên môn, không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) chiếm phần lớn với hơn 62%. Bên cạnh đó, Nghệ An cũng đón 25.300 người trở về từ các tỉnh thành phía Bắc.

Đáng chú ý, có hơn 45.200 lao động trong số đó đăng ký xin việc làm qua các khu kinh tế và gần 3.000 người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Khảo sát của Sở Lao động, thương binh và xã hội Nghệ An cho thấy, có 84 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng, trong đó, 57 doanh nghiệp trong tỉnh cần 15.000 lao động với mức lương từ 5 - 30 triệu đồng mỗi tháng, tùy năng lực chuyên môn tay nghề.

Trong một cuộc họp báo hồi tháng 10/2021, ông Bùi Văn Hưng, Phó giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh đang nỗ lực kết nối hơn 45.000 việc làm trong và ngoài tỉnh cho con em từ các tỉnh thành khác trở về.

Có thể thấy, trong khi các doanh nghiệp ở các tỉnh thành trước nay tập trung đông người lao động như TP. HCM, Bình Dương… đang phải đau đầu giải bài toán thiếu hụt nguồn lao động, đặc biệt là lao động phổ thông tại các nhà máy do tác động của đại dịch của Covid-19 thì doanh nghiệp hiện đang hoạt động và những doanh nghiệp sắp đầu tư vào các địa phương như Nghệ An giờ đây lại hưởng lợi từ những chuyến hồi hương, cùng với 1,9 triệu lao động có sẵn.

Nếu có khả năng tạo cơ hội việc làm và thu nhập ổn định, các doanh nghiệp ở đây còn có thể thu hút được cả người lao động từ các địa phương lân cận như Hà Tĩnh, Thanh Hoá…

Trước đây, người dân miền Trung phải tha hương hàng nghìn cây số đi kiếm việc làm vì đặc thù kinh tế còn thuần nông, chưa có nhiều việc làm. Giờ đây, nhờ có nhiều lợi thế, khu vực bắc miền Trung đang ngày càng thu hút các công ty trong và ngoài nước tìm đến để xây dựng nhà máy, hứa hẹn tạo một luồng sinh khí mới cho mảnh đất Bắc Trung bộ.
                                                                          
Khu công nghiệp WHA IZ 1 - Nghệ An

Tiếp tục đón vốn FDI

Dù đối mặt với những khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn là một điểm sáng về thu hút FDI.

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, chỉ số FDI, theo dõi tâm lý nhà đầu tư nước ngoài, ở mức 723 điểm trong tháng 8/2021, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các tín hiệu về kế hoạch mở rộng đầu tư trong tương lai tuy giảm nhẹ nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mức trung bình năm 2020. Vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm mười tháng vẫn tăng 15,8% so với cùng kỳ.

Mới đây, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đã quyết định rót 340 triệu USD để sở hữu 4,9% cổ phần tại The CrownX, đơn vị sở hữu chuỗi cửa hàng WinMart và WinMart+. Tập đoàn De Heus (Hà Lan) đã mua lại toàn bộ mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi của Masan, nâng số chuỗi nhà máy do Tập đoàn sở hữu tại Việt Nam lên con số 22.

Tập đoàn Kurz (Đức) đã nhận chứng nhận đăng ký đầu tư để triển khai xây dựng nhà máy chuyên sản xuất nhũ và màng mỏng công nghệ cao tại khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định. Tập đoàn Amkor cũng đã quyết định đầu tư dự án 1,6 tỷ USD trong lĩnh vực bán dẫn tại tỉnh Bắc Ninh.

Ở Nghệ An, báo cáo của Khu kinh tế Đông Nam cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, khu công nghiệp VSIP cấp phép tám dự án; khu công nghiệp WHA cấp phép tám dự án; khu công nghiêp Hoàng Mai I đang làm thủ tục đầu tư một dự án.
 
Ông David Nardone, Giám đốc điều hành WHA Industrial Development Plc, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn WHA Corporation PLC
Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn WHA Corporation PLC cho biết, trong hai năm Covid-19 diễn ra, đặc biệt là trong năm 2021, khu công nghiệp WHA (Thái Lan) đã đón một lượng lớn nhà đầu tư thứ cấp như Goertek, Jiangtai, Thành Tỷ, Vietwin, Thép Minh Phú…

Lý giải quyết định đầu tư vào WHA nói riêng và Nghệ An nói chung, các doanh nghiêp này nhấn mạnh yếu tố vị trí chiến lược của khu công nghiệp, kinh nghiệm và uy tín của nhà đầu tư sau hơn 30 năm phát triển khu công nghiệp, sự cởi mở và hỗ trợ trong chính sách của chính quyền địa phương.

Đáng chú ý, nguồn lao động đang ngày càng gia tăng về lượng và chất ở một tỉnh thuộc nhóm bốn địa phương đông dân nhất Việt Nam như Nghệ An cũng là một điểm nhấn.
 
Sau 2 năm đầu tư xây dựng hạ tầng cơ bản, khu công nghiệp WHA IZ 1 – Nghệ An đã hoàn thành 145ha của giai đoạn 1. Trong đó, 54% diện tích đã được giao cho các nhà đầu tư đến từ Hong Kong, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam… Ông David kỳ vọng số lượng nhà đầu tư sẽ gia tăng trong những tháng cuối năm 2021.

“Nhận thấy nhu cầu về đất công nghiệp ngày càng tăng, WHA đang đẩy nhanh việc mở rộng tại tỉnh Nghệ An để phát triển các giai đoạn còn lại”, ông David cho biết.

Cụ thể, giai đoạn thứ hai với diện tích 355ha đã được trao chứng nhận đầu tư vào tháng 5/2021 sẽ được WHA bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng vào đầu năm 2022. Đáng chú ý, dù chưa tiến hành xây dựng nhưng đã có đơn vị làm việc với WHA để đảm bảo một khu đất 12ha trong dự án này. 

Sau khi hoàn thành các giai đoạn và mở rộng, khu công nghiệp WHA IZ 1 - Nghệ An dự kiến có tổng diện tích 1.850 ha, kết nối các trung tâm sản xuất, chế tạo và phân phối phục vụ thị trường trong nước và quốc tế.

Lãnh đạo WHA khẳng định, trong thời gian tới, dòng vốn đầu tư sẽ tiếp tục đổ vào khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ nhờ vào nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, chất lượng. Đặc biệt, Nghệ An sẽ là một điểm đến thu hút với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
 

Tin tức khác